Một doanh nghiệp khi đi vào hoạt động cần thực hiện những thủ tục môi trường, được phân chia theo hai giai đoạn:
- Giai đoạn chuẩn bị đầu tư, xây dựng dự án,
- Giai đoạn tiến hành dự án
Tư vấn thủ tục môi trường |
I. TƯ VẤN THỦ TỤC MÔI TRƯỜNG TỚI DOANH NGHIỆP
I.1. GIAI ĐOẠN CHUẨN BỊ DỰ ÁN ĐẦU TƯ, XÂY DỰNG
Trước khi đi vào xây dựng dự án, các doanh nghiệp tùy từng quy mô tiến hành lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hay kế hoạch bảo vệ môi trường (KHBVMT) (chi tiết quy định tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP) hay đề án chi tiết/đơn giản. Đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường là hồ sơ pháp lý ràng buộc trách nhiệm giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý môi trường và cộng đồng. Thông qua việc thực hiện các công việc như xác định, dự đoán, đánh giá và giảm thiểu các ảnh hưởng của việc phát triển dự án tới các yếu tố sinh học, xã hội và các yếu tố liên quan khác trước khi đưa ra quyết định và thực hiện những cam kết, đề xuất những giải pháp thích hợp về bảo vệ môi trường. ĐTM và KHBVMT phải được lập đồng thời với dự án nghiên cứu khả thi của dự án hoặc dự án đầu tư.
Danh mục 12 đối tượng không phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường:
- Đào tạo nguồn nhân lực; các hoạt động tư vấn; chuyển giao công nghệ; dạy nghề, đào tạo kỹ thuật, kỹ năng quản lý; cung cấp thông tin; tiếp thị, xúc tiến đầu tư và thương mại.
- Sản xuất, trình chiếu và phát hành chương trình truyền hình, sản xuất phim điện ảnh, phim video và chương trình truyền hình; hoạt động truyền hình; hoạt động ghi âm và xuất bản âm nhạc.
- Dịch vụ thương mại, buôn bán lưu động, không có địa điểm cố định.
- Dịch vụ thương mại, buôn bán các sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng, đồ gia dụng.
- Dịch vụ ăn uống có quy mô diện tích nhà hàng phục vụ dưới 200 m2.
- Dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng đồ gia dụng quy mô cá nhân, hộ gia đình.
- Dịch vụ photocopy, truy cập internet, trò chơi điện tử.
- Chăn nuôi gia súc, gia cầm, động vật hoang dã với quy mô chuồng trại nhỏ hơn 50 m2; nuôi trồng thủy hải sản trên quy mô diện tích nhỏ hơn 5.000 m2 mặt nước.
- Canh tác trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp quy mô cá nhân, hộ gia đình.
- Trồng khảo nghiệm các loài thực vật quy mô dưới 1 ha.
- Xây dựng nhà ở cá nhân, hộ gia đình.
- Xây dựng văn phòng làm việc, nhà nghỉ, khách sạn, lưu trú du lịch quy mô nhỏ hơn 500 m2 sàn.
I.2. GIAI ĐOẠN ĐI VÀO HOẠT ĐỘNG, VẬN HÀNH DỰ ÁN
Sau khi doanh nghiệp đã được phê duyệt một trong các thủ tục: ĐTM, DABVMT,… thì doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục thực hiện các thủ tục khác bao gồm: Đăng ký sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại, xin giấy phép xả thải nước thải vào nguồn nước, xin phép khai thác nước ngầm, báo cáo hiện trạng môi trường, và báo cáo hoàn thành công trình xử lý (nếu có)
I.2.1. Đăng ký sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại
Cơ sở phát sinh CTNH có thời gian hoạt động trên một năm phát sinh thường xuyên hay định kỳ hàng năm với tổng số lượng từ 600 (sáu trăm) kg/năm và CTNH thuộc danh mục các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) theo quy định tại Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (gọi tắt là Công ước Stockholm);
Sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại là một loại hồ sơ pháp lý giúp cho cơ quan chức năng giám sát được tình hình hoạt động của tổ chức cũng như đánh giá được tình trạng gây ô nhiễm mà tổ chức đã thải ra. Việc đăng ký sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại được thực hiện theo thông tư 36_2015_TT-BTNMT của bộ Tài Nguyên và môi trường.
Việc đăng ký sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ cho cơ quan chức năng mà còn cho chủ đơn vị hợp thức hóa quá trình sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu mức độ gây ô nhiễm môi trường.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh khi có phát sinh chất thải nguy hại nếu:
- Không đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại hoặc không đăng ký cấp lại chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định sẽ bị phạt từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng (theo mục a Khoản 4 Điều 21 Nghị định 179/2013/NĐ-CP)
- Hành vi để lẫn chất thải nguy hại khác loại với nhau hoặc để lẫn chất thải nguy hại với chất thải khác sẽ bị phạt từ 5 đến 100 triệu (theo Khoản 6 Điều 21 Nghị định 179/2013/NĐ-CP)
- Và nhiều mức phạt khác,…
I.2.2. Lập hồ sơ xin cấp giấy phép xả thải
Xin giấy phép xả thải là quá trình lập báo cáo phân tích, đánh giá, ảnh hưởng của xả nước thải đến môi trường nước tiếp nhận (nguồn nước) từ đó đề xuất các giải pháp thích hợp về công nghệ, quản lý nhằm đảm bảo nước thải trước khi xả thải nguồn nước phải đảm bảo Quy chuẩn Việt Nam (tùy theo nguồn nước tiếp nhận)
Việc xin giấy phép xả thải vào nguồn nước giúp các cơ sở xả thải kiện toàn được hệ thống xử lý nước thải (nước thải đầu ra phải đạt Quy chuẩn Việt Nam) từ đó giảm sức ép đối với khả năng chịu tải môi trường của các nguồn tiếp nhận. Báo cáo xả thải giúp cơ quan quản lý quản lý chất lượng nước thải đầu ra của các cơ sở tốt hơn đồng thời bảo vệ được môi trường tại các nguồn tiếp nhận.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh khi bị thanh kiểm tra mà không đáp ứng đầy đủ thủ tục thực hiện xả nước thải vào nguồn nước, chương trình giám sát môi trường cơ sở chú ý:
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng quy định về việc quan trắc, giám sát tài nguyên nước trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện quan trắc, giám sát tài nguyên nước trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước theo quy định.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xả nước thải có chứa hóa chất độc hại, chất phóng xạ vào nguồn nước với lưu lượng nước thải không vượt quá 5 m3/ngày đêm (Tùy từng lưu lượng và mức vượt của thông số mà mức phạt có thể thay đổi)
- Và nhiều mức phạt khác,…
I.2.3. Lập hồ sơ đăng ký thai thác nước
Mọi tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc điều hành cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khai thác sử dụng nước dưới đất (giếng khoan, giếng đào) và nước mặt (sông, suối, hồ, đập…) thì phải xin giấy phép khai thác tài nguyên nước. Việc thực hiện xin phép khai thác nước ngầm và khai thác nước mặt là một việc làm vô cùng quan trọng của các quý doanh nghiệp tới cộng đồng, chính những hành động xin phép của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sẽ giúp cơ quan chức năng quản lý vấn đề tài nguyên nước một các hiệu quả, chống các sự cố, thiên tai sụt lún, bảo vệ môi trường sống bền vững cho thế hệ hiện tại và tương lai.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh khi bị thanh kiểm tra mà không đáp ứng đầy đủ thủ tục thực hiện khai thác nước, chương trình giám sát môi trường cơ sở chú ý:
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi khai thác nước dưới đất thuộc các trường hợp phải đăng ký mà không đăng ký theo quy định
- Phạt từ 30.000.000- 250.000.000 đồng đối với hành vi thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước không có giấy phép (Tùy vào số giếng, độ sâu và lưu lượng nước khai thác mà mức độ xử phạt nằm trong khung hình phạt ở trên.
I.2.4. Báo cáo hiện trạng môi trường định kỳ
Báo cáo hiện trạng môi trường định kỳ hay báo cáo hiện trạng môi trường (BCHTMT) là hình thức đánh giá chất lượng môi trường ngắn hạn tại Cơ sở và báo cáo định kỳ về Cơ quan thẩm quyền (cụ thể là: Chi cục BVMT; Phòng TNMT). Đánh giá chất lượng môi trường là đánh giá một cách tổng quan trên nhiều nguồn phát sinh chất thải như: nước thải, khí thải, chất thải rắn (bao gồm: chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và nguy hại). Hình thức đánh giá bằng cách đo đạc mẫu khí thải, nước thải, tính toán lượng chất thải rắn phát sinh và tra cứu mức độ ô nhiễm theo quy định của nhà nước. Tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lớn, nhỏ đều bắt buộc phải làm BCHTMT. Nếu doanh nghiệp chưa có bất cứ giấy tờ nào về môi trường vẫn có thể lập BCHTMT định kỳ bình thường.
Trong trường hợp các doanh nghiệp phải lập BCHTMT định kỳ mà không làm sẽ bị phạt hình chính theo NĐ 179/2013/NĐ-CP/ BTNMT
- Phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện chương trình quan trắc, giám sát môi trường theo quy định
- Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với hành vi thực hiện không đúng, không đầy đủ một trong các nội dung chương trình quan trắc, giám sát môi trường theo quy định (về vị trí, tần suất hoặc thông số giám sát môi trường);
I.2.5 Báo cáo thường niên về chất thải nguy hại, khai thác nước và xả thải
Việc thực hiện các thủ tục môi trường (xin phép khai thác nước, xả thải, sổ chủ nguồn chất thải nguy hại, ĐTM ...) đều được các doanh nghiệp, nhà máy tìm hiểu và thực hiện đầy đủ. Tuy nhiên vấn đề thường thấy là sau khi thực hiện xong, hầu như các doanh nghiệp chỉ nhớ đến việc thực hiện quan trắc môi trường định kỳ mà quên mất việc hàng năm vẫn phải có những tổng hợp số liệu, báo cáo tình hình thực hiện các thủ tục môi trường tới cơ quan có chức năng. Vì đơn giản nên ít được chú ý và vô hình chung bỏ quên. Nhiều đơn vị đã giật mình hỏi chúng tôi khi thanh kiểm tra thiếu hẳn mục này, và dẫn đến việc bị nhắc nhở và thậm chí phạt hành chính rất đáng tiếc.
Báo cáo thường niên gồm:
1. Báo cáo quản lý chất thải nguy hại thường niên
2. Báo cáo quản lý chất thải nguy hại thường niên
3. Báo cáo tình hình khai thác nước và thực hiện giấy phép
Đọc chi tiết tại: báo cáo thường niên môi trường - quên lỗi nhỏ nhận mức phạt lớn.
I.2.6. Báo cáo hoàn thành ĐTM
Doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM thì sau khi hoàn thành xong các công trình xử lý như: hệ thống xử lý khí thải, xử lý nước thải,... và đã tiến hành các biện pháp bảo vệ môi trường, thì Doanh nghiệp bắt buộc phải lập thêm Báo cáo hoàn thành ĐTM để nộp báo cáo lên cơ quan chức năng có thẩm quyền thẩm định xem xét lại việc thực hiện
- Phạt tiền từ 1.000.000-3.000.000 đối với doanh nghiệp đã có xác nhận đề an bảo vệ môi trường đơn giản;
- Phạt tiền đối với doanh nghiệp có xác nhận đề án bảo vệ môi trường chi tiết
+ Cấp Bộ quản lý phạt từ 10.000.000-20.000.000 đồng
- Phạt tiền từ 140.000.000 – 150.000.000 đối với doanh nghiệp có xác nhận ĐTM